Đề ôn thi đánh giá tư duy Bách khoa số 3 - Phần Tư duy đọc hiểu

Cập nhật lúc: 14:50 02-10-2023 Mục tin: Đề ôn luyện thi đánh giá tư duy


Đề thi thử đánh giá tư duy Đại học Bách khoa HN số 3 phần Tư duy đọc hiểu mới nhất với 20 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút.

ĐỀ ÔN THI ĐÁNH GIÁ TƯ DUY BÁCH KHOA - PHẦN TƯ DUY ĐỌC HIỂU


Đọc văn bản và trả lời câu hỏi từ 1 đến 10:

BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

[0]  Có nhiều lí do để lo ngại bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại liên quan đến chất lượng cuộc sống như giáo dục, y tế, việc làm và trả công lao động. Trên quan điểm về phúc lợi và sự bình đẳng, bất bình đẳng giới trở thành vấn đề nan giải, làm suy giảm lợi ích và là một dạng bất công trong xã hội.

[1]   Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá và tương đối đối ổn định, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân trong thời kì 2000 – 2012 đạt 7,1%, Việt Nam đang dần chuyển vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Vậy nên, bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội ổn định.

[2]  Theo nghiên cứu của Dollar và Gatti (1999), vấn đề bất bình đẳng giới làm giảm chất lượng trung bình của nguồn nhân lực trong xã hội và có tác động xấu tới phát triển kinh tế do nó làm hạn chế nguồn chất xám cho giáo dục. Liên quan đến cạnh tranh quốc tế, nhiều nước Đông Á có thể cạnh tranh trên thị trường thông qua việc sử dụng lao động nữ trong các ngành sản xuất theo hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: việc làm và thu nhập làm tăng khả năng, vai trò và tầm quan trọng của họ trong cuộc sống gia đình. Sự khác biệt trong hành vi tiết kiệm giữa nam và nữ, nữ giới có xu hướng đầu tư cao hơn trong y tế và giáo dục cho con cái, tăng vốn nhân lực cho thế hệ tiếp theo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

[3]  Liên quan tới vấn đề quản trị, lao động nữ dường như ít bị cuốn vào tham nhũng và có tư tưởng “gia đình trị” hơn nam giới, và từ đó, có thể đưa ra giả thuyết rằng khi nữ giới giữ chức vụ cao hơn nam giới thì sẽ có lợi hơn cho hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, bất bình đẳng giới còn liên quan tới vấn đề thu nhập của lao động, khoảng cách đó khiến lực lượng lao động nữ giảm xuống, khả năng sinh sản tăng lên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn thông qua sự tham gia của thị trường lao động và tác động nhân khẩu học. Tuy có một số mô hình kinh tế khác chỉ ra rằng: chênh lệch trong thu nhập tạo nên tính cạnh tranh và từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế của Quốc gia, nhưng chúng ta cần lưu tâm tới vấn đề tăng trưởng tức thời và sự phát triển bền vững, lâu dài.

[4]   Rất khó để nhìn nhận những vấn đề liên quan tới khoảng cách giới trong giáo dục, việc làm và tiền lương nhưng tựu chung, các mô hình đều chỉ ra rằng khoảng cách ở khía cạnh này sẽ dẫn tới khoảng cách giới ở một khía cạnh, lĩnh vực khác như một hệ quả kéo theo. Có thể lấy một ví dụ cho quy luật này: Khi tồn tại những rào cản lớn trong công việc của nữ giới hoặc các khoảng cách thu nhập thì những bậc phụ huynh có xu hướng quyết định rằng giáo dục đối với trẻ em gái không sinh lợi, do đó, có thể dẫn tới việc giảm nhu cầu đối với giáo dục cho nữ giới và dẫn tới khoảng cách về giới trong giáo dục.

[5]  Nghiên cứu về vấn đề này, Klasen (1999) chỉ ra rằng sự gia tăng lực lượng lao động nữ trong khu vực chính thức gắn liền với mức tăng trưởng cao; mức tăng trưởng về thu nhập thu hút nữ giới tham gia vào lực lượng lao động, giảm thiểu những rủi ro liên quan tới vấn đề chênh lệch giáo dục, mức sinh sản thấp hơn và tỉ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn những thế  hệ sau. Tóm lại, cả lí thuyết và những nghiên cứu thực nghiệm đều đi đến sự nhìn nhận về việc khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm có thể giảm hiệu quả kinh tế.

[6]  Tuy chưa có nhiều bằng chứng xác thực hay những công trình nghiên cứu vĩ mô chỉ ra rằng khoảng cách giới trong giáo dục tại Việt Nam có tác động đến tăng trưởng kinh tế nhưng yêu cầu về việc cải thiện vai trò của phụ nữ không nên chỉ nhìn nhận đơn thuần là sự tăng số lượng hay tỉ lệ phụ nữ tham gia vào tiến trình phát triển mà còn đòi hỏi phải chú ý tới chất lượng lao động. Những định kiến xã hội liên quan tới giới là yếu tố quan trọng quyết định thị trường cung cầu lao động trong một nền kinh tế; vấn đề này dẫn đến việc bỏ qua một số lao động đủ năng lực hoặc thậm chí năng lực tốt chỉ vì giới tính của họ, dẫn đến giảm năng suất của doanh nghiệp hay tổ chức đồng thời, ảnh hưởng đến năng suất của các nền kinh tế. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc bình đẳng giới trong các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước để tạo nên nhận thức đầy đủ cho người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề này.

(Theo Tạp chí Khoa học Lao động và Xã hội – số 36/Quý III – 2013)

1. Mục đích chính của bài viết là gì?

A. Nêu lên sự ảnh hưởng của bất bình đẳng giới tới sự phát triển kinh tế.

B. Chỉ ra mối quan hệ giữa bình đẳng giới và vấn đề phát triển kinh tế.

C. Đưa ra giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng giới và phát triển kinh tế.

D. Nêu lên hậu quả của nền kinh tế do bất bình đẳng giới gây ra.

2. Hãy điền một cụm từ để hoàn thành câu sau (không quá 3 tiếng):

Để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các chiến lược, .................. vĩ mô mà còn cần chú trọng tới vấn đề bình đẳng giới, đảm bảo tính trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

3. Theo bài viết, kinh tế Việt Nam đang:

A. bước đầu đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

B. tăng trưởng nhanh nhưng vẫn thuộc nhóm nước nghèo.

C. thiếu sự cân bằng về giới dẫn tới mất ổn định trong phát triển.

D. tăng trưởng nhanh, GDP đạt mức trung bình của thế giới.

4. Theo đoạn [2], cụm từ “tăng vốn nhân lực” được hiểu là gì?

A. Số vốn được quy đổi thành các tài sản liên quan tới quá trình giáo dục con người

B. Quá trình đầu tư phát triển vào con người trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

C. Chiến lược đầu tư để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai

D. Số vốn đầu tư vào con người để gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động.

5. Theo các mô hình kinh tế, đâu là giải pháp giúp nền kinh tế phát triển bền vững?

A. Gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho lao động nữ.

B. Đảm bảo công bằng về lương trên thị trường lao động.

C. Thay đổi định kiến giới trên nhiều khía cạnh đời sống.

D. Nâng cao chất lượng lao động nữ trên thị trường lao động.

6. Hãy hoàn thành câu sau bằng cách điền các từ cho sau đây vào đúng vị trí:

Bất bình đẳng giới thể hiện trên nhiều ........... khác nhau như: giáo dục, việc làm và tiền lương, các mặt đó tồn tại và ............ lẫn nhau gây ra nhiều .............., gia tăng giới.

tác động ; khía cạnh ; rào cản ; khoảng cách ; hệ quả

 

 

 

 

7. Theo đoạn [4] và [5], khoảng cách giới trong giáo dục có thể được giải quyết bằng cách tăng thu nhập cho nữ giới. Đúng hay sai?

A. Đúng.

B. Sai.

8. Hãy điền một cụm từ để hoàn thành nhận định sau (không quá 2 tiếng):

Một trong những phương pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển chính là đảm bảo yếu tố bình đẳng trong phân phối .............., tạo động lực thu hút nữ giới tham gia vào thị trường lao động.

9. Hoàn thành câu sau bằng cách điền các từ cho sau đây vào đúng vị trí:

pháp luật ; tăng trưởng ; ổn định ; công bằng ; văn hóa

 

 

 

Trong những nghiên cứu về kinh tế, các mô hình đều chỉ ra vai trò của việc đảm bảo tính .......... trong xã hội, bất bình đẳng giới và những quan điểm có thể trở thành rào cản cho sự phát triển chung của Quốc gia.

10. Những quan điểm tiêu cực về nữ giới có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả lao động trong quá trình sản xuất. Đúng hay sai?

A. Đúng.

B. Sai.


Đọc văn bản và trả lời câu hỏi từ 11 đến 20:

GIỚI TRẺ VÀ CHUYỆN ĐỌC SÁCH THỜI HIỆN ĐẠI

Đọc sách là cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy tri thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Thế nhưng, ngày nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, nhất là văn hóa đọc sách. Thực tế, thói quen truy cập mạng trở nên phổ biến, khi muốn có thêm thông tin có thể tìm trên những trang báo mạng, muốn tra cứu vấn đề gì đều có thể vào các trang chuyên về tìm kiếm trên mạng. Điều đó khiến giới trẻ dường như ngày càng tìm đến sách báo ít hơn. Thói quen đọc sách cũng không còn được duy trì thường xuyên. Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Và trong một khảo sát đối với sinh viên TP.HCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26.37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết, 25,15 cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết. Nhà báo Phong Điệp, báo Nhân dân cho rằng, đây là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ. Một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành thời gian cho việc học quá nhiều nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Và còn một thực tế cũng nguy hại không kém, đó là việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất và nếu có đọc thì thường chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách đen. “Điều đó dẫn đến tình trạng ăn xổi, không phải là nhu cầu của bản thân, không phải mục tiêu, ước vọng của người đọc khiến lệch lạc về thị hiếu, thẩm mỹ thậm chí là kiến thức xã hội, nhận thức xã hội của các bạn trẻ hạn chế rất nhiều”, nhà báo Phong Điệp nhấn mạnh. Chính vì vậy, những năm qua, các dự án, chương trình, các cuộc vận động của nhiều tổ chức diễn ra dưới nhiều hình thức như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Trạm đọc, We love reading… Hay tại kỳ họp Quốc hội khoá 14 đã thông qua Luật Thư viện quy định ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam”. Đây là những hoạt động có ý nghĩa, giúp tăng thêm niềm đam mê, và sự yêu thích đọc sách của các bạn trẻ. Nhưng thực tế lại chưa diễn ra đồng đều ở tất cả các tỉnh thành cũng như ở các trường học. “Có nơi thì nhộn nhịp, có nơi lại im ắng như tờ”, nhà báo Phong Điệp khẳng định. Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ cũng thay đổi rất nhiều. Thời xưa người ta thường hay nói đến “sách gối đầu giường”, nhưng thời nay “gối đầu giường” của đại đa số bạn trẻ lại là Smartphone. Trong thời đại mới, cách đọc sách, truyện không còn theo truyền thống như trước nữa. Thay vì lật giở từng trang sách, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các trang web hoặc phần mềm để nghe sách, nghe truyện. Đương nhiên, đọc sách in hay đọc sách điện tử, cũng là đọc. Không phải ngồi cầm quyển sách, lật từng trang mới là đọc sách. Tuy nhiên, với cách đọc mới này, những cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang được tóm gọn trong vài chục trang. Những cuốn sách nâng cao kiến thức, câu chuyện lịch sử cũng chỉ gói gọn trong 3 – 4 phút trên mạng. Điều đó đòi hỏi những nhà sáng tạo nội dung cần đặc biệt lưu ý để văn chương không bị biên tập, cắt gọn tới mức biến dạng nội dung, nhà báo Phong Điệp cho biết thêm. Có thể nói, việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử có thể sẽ là hình thức của sách trong tương lai. Điều đó đòi hỏi những người viết sách cũng cần phải đổi mới về phong cách viết, hình thức truyền tải để phù hợp với xu thế hiện nay. Cùng với đó, những nhà quản lí trang mạng cũng như cơ quan quản lí nhà nước cũng cần chú ý hơn trong việc rà soát nội dung để sách điện tử đến với bạn đọc một cách ý nghĩa nhất. Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Vì vậy, ngay từ khi ở bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả. Điều đó sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách và có thể khuyến khích giới trẻ đến với sách nhiều hơn.

(Thu Hằng, https://vov2.vov.vn)

11. Hãy điền một cụm từ không quá hai tiếng để hoàn thành câu văn sau:

Trong sự phát triển của đời sống, giới trẻ ngày nay có xu hướng .............. hình thức giải trí sang các hoạt động trực tuyến thay vì đọc sách, báo in như thập niên trước.

12. Các số liệu khảo sát của bài viết cho thấy điều gì? (chọn 2 đáp án đúng).

A. Người trẻ có xu hướng sử dụng và dần phụ thuộc vào công nghệ.

B. Những người sống tại TP. HCM có tư duy thực tế và nhanh nhạy.

C. Nhận thức về vai trò của sách có sự thay đổi theo từng điều kiện.

D. Thời gian đọc sách trung bình của người Việt là thấp nhất thế giới.

13. Hoàn thành nhận định sau đây bằng cách điền các từ cho sau đây vào đúng vị trí:

giáo dục ; trào lưu ; thị hiếu ; áp lực ; nhu cầu ; giải trí

 

 

 

Nhìn nhận về thực trạng của giới trẻ, nhà báo Phong Điệp có nhắc tới vấn đề trong cuộc sống và dần khiến việc trở nên bó hẹp hơn; những cuốn sách được lựa chọn chủ yếu do mà không phải bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân.

14. Hãy điền một cụm từ để hoàn thành câu sau (không quá 2 tiếng):

Không dừng lại ở các hoạt động tự phát, những ............. đã được ban hành nhằm mục đích khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước.

15. Theo bài viết, cách đọc sách mới giúp người đọc có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và mang lại nhiều lợi ích hơn so với sách giấy. Đúng hay sai?

A. Đúng.

B. Sai.

16. Hãy điền một cụm từ để hoàn thiện nhận xét sau (không quá 2 tiếng):

Trước xu thế tất yếu của văn hóa đọc, với những yêu cầu mới của người đọc, hoạt động viết cần có sự chuyển dịch về nội dung và đổi mới về truyền tải để tạo ra những cảm hứng mới, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

17. Theo bài viết, những đối tượng cần lan tỏa và hình thành thói quen đọc sách là: (Chọn 2 đáp án đúng).

A. người sáng tạo nội dung.

B. các nhà quản lý báo chí.

C. các đơn vị xuất bản sách.

D. cơ sở giáo dục và đào tạo.

18. Hãy hoàn thành câu sau bằng cách điền các từ cho sau đây vào đúng vị trí:

gián tiếp ; thói quen ; nhân cách ; toàn diện ; trực tiếp ; phù hợp

 

 

 

 

Nhìn nhận đầy đủ về các vấn đề xã hội, có thể thấy, sách là phương tiện giáo dục .........., hình thành ............. đọc hỗ trợ quá trình định hình ................, hướng tới sự phát triển .............

19. Theo nội dung bài viết, những nhận định sau đây đúng hay sai?

Nhận định

 

Cần nhìn nhận văn hóa đọc trong nhiều mối tương quan với sự phát triển của đời sống xã hội.

 

Để hình thành thói quen đọc sách nên bắt đầu từ những hành động nhỏ và sở thích cá nhân.

 

Muốn lan tỏa giá trị của sách tới cộng đồng cần chú trọng tới những chính sách khuyến học.

 

Phương pháp tự học không chỉ mang lại hiệu quả về kiến thức mà còn góp phần xây dựng tính cách.

 

20. Bài viết đề cập tới vấn đề gì?

A. Những giá trị mà thói quen đọc sách mang lại cho con người.

B. Thói quen đọc và những vấn đề tồn tại quanh việc đọc sách.

C. Công nghệ và những vấn đề về xuất bản sách tại Việt Nam.

D. Trao đổi quanh thói quen đọc sách của thế hệ trẻ ở Việt Nam.

Tổng hợp: Dethidanhgiatuduy.info

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

DÀNH CHO 2K7 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bạn đang không biết bài thi ĐGNL theo chương trình GDPT mới sẽ như thế nào?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Tổng ôn toàn diện, trang bị phương pháp làm bài hiệu quả
  • Bộ 20+ đề thi thử chuẩn cấu trúc theo chương trình GDPT mới

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Tuyển tập đề thi đánh giá tư duy mới nhất, đề ôn luyện thi đánh giá tư duy tất cả các phần